Công tác dân số luôn được xác định là một bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước. Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì chúng ta cũng còn rất nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi nhưng các hành vi vi phạm vẫn xảy ra và có xu hướng lan rộng. Trong bối cảnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay thì việc sử dụng pháp luật để điều chỉnh là rất quan trọng nhằm duy trì cơ cấu dân số hợp lý, duy trì vững chắc mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số.
- Những quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi
Ở Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tuy mới xuất hiện một số năm gần đây nhưng nhanh chóng trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Do đó, một trong những giải pháp nhằm làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là phải hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến giới và giới tính khi sinh. Pháp luật của Việt Nam đã quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Mục đích của việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh là để bảo đảm cân bằng giới tính giữa nam và nữ, bảo đảm cho sự ổn định và phát triển xã hội lành mạnh. Việc cấm lựa chọn giới tính khi sinh có ý nghĩa, tác dụng bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ; tạo dư luận xã hội ủng hộ và xoá dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong tiềm thức của nhân dân; ngăn chặn tình trạng phá thai vì lý do lựa chọn giới tính; bảo đảm sự cân đối về số lượng giữa nam và nữ; tạo sự ổn định và phát triển bền vững trong xã hội.
Ngay từ năm 2003, Pháp lệnh Dân số đã quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng có một số quy định liên quan đến vấn đề giới và lựa chọn giới tính với mục tiêu là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Cụ thể hoá những quy định đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bị nghiêm cấm như: (1). Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: Tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi. (2). Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: Xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm. (3). Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.
- Các biện pháp xử lý các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi
Để ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm về dân số nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức, pháp luật đã quy định các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi tại Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ với mức xử phạt tiền thấp nhất là 500 ngàn đồng và cao nhất là 15 triệu đồng đối với từng hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu những hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu phương tiện, tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Đồng thời, Nghị định số 114/2006/NĐ-CP còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu huỷ các loại tài liệu, phương tiện chứa đựng nội dung về phương pháp tạo giới tính thai nhi được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh các văn bản pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực này, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hành chính để tổ chức thực hiện và tăng cường kiểm soát việc thực hiện các quy định pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi trong hệ thống quản lý của mình.
———————————
Phòng Dân số – TTGDSK
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) 15/11/2024
TƯ VẤN SỨC KHỎE SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN/THANH NIÊN
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn hưởng ứng ngày vẩy nến Thế Giới 29/10/2024: Lan tỏa yêu thương, gắn kết tình thân
Thời gian thích hợp đặt vòng tránh thai
SÀNG LỌC SƠ SINH – CỨU CON KHỎI 5 BỆNH NGUY HIỂM
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn chào mừng kỷ niệm 34 năm ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990 – 26/10/2024)