QUY ĐỊNH XỬ PHẠT CỦA PHÁP LUẬT VỀ TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật

Theo quy định của pháp luật, tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính hoặc nặng hơn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về xử lý vi phạm hành chính, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó.

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.

Về hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Còn người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

————————-

Phòng DS-TTGDSK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *