‘Sư đoàn tôi có 14.500 liệt sĩ, đa phần là anh em trẻ tuổi…’

Ở tuổi 91 nhưng chiến tích về những cuộc chiến vẫn còn in đậm trong tâm trí của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến. Ông bảo: “Công của mình là công của các anh em liệt sĩ. Ơn đó sâu sắc lắm. Trả bao giờ cho hết”.

Kế hoạch lừa địch hoàn hảo trong chiến dịch Tây Nguyên

Sinh năm 1931 ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), từ năm 12 tuổi, ông Khuất Duy Tiến đã tham gia cách mạng. Những năm đầu chiến đấu chống giặc Pháp, ông từng bị địch bắt đưa về nhà tù Hỏa Lò, nhưng với sự gan dạ và dũng cảm của mình, ông đã vượt ngục và tiếp tục đầu quân chiến đấu.

Từ khi tham gia nhập ngũ năm 1950, ông Khuất Duy Tiến đã chiến đấu ròng rã suốt 25 năm cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ấn tượng nhất với Trung tướng Khuất Duy Tiến là chiến dịch Tây Nguyên cuối năm 1974, thời điểm cục diện chiến trường miền Nam trên đà chuyển biến, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Lúc này Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đánh địch ở Nam Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, đánh vào tỉnh lỵ Phú Bổn (Cheo Reo) và phát triển xuống đồng bằng Khu 5.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Nam Tây Nguyên. Phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên do Trung tướng Khuất Duy Tiến làm Trưởng phòng lập tức lập kế hoạch chuẩn bị chiến dịch, xây dựng kế hoạch chiến dịch bao gồm: Kế hoạch triển khai đường cơ động trên các hướng, các mũi chiến dịch; kế hoạch cơ động lực lượng; kế hoạch nghi binh chiến dịch; kế hoạch tập kết bộ đội; kế hoạch đảm bảo hậu cần kỹ thuật…

Đồng thời, lập kế hoạch tiếp nhận cơ sở vật chất, tiếp nhận các đơn vị mới đến tăng cường, các đơn vị binh chủng kỹ thuật của Bộ phải được tổ chức chu đáo, bí mật, an toàn. Công tác bảo quản, sửa chữa vũ khí, phương tiện xe – máy phải bảo đảm tối đa hệ số kỹ thuật các phương tiện hiện có. Công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng phải nhằm nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tổng hợp của mọi đơn vị, mọi binh chủng…

“Sư đoàn tôi có 14.500 liệt sĩ, đa phần là anh em trẻ tuổi” - Ảnh 2.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu. Ảnh: Nguyễn Lan

“Kế hoạch nghi binh khi ấy đã đánh lừa địch, khiến chúng tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum – Gia Lai nhưng trên thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Sau này khi chiến thắng, tôi ngẫm sao mình lại nghĩ ra như thế.

Để đánh được Đắk Lắk, ta phải đi mất khoảng 300km đường rừng, nhiều sông suối, nên việc hành quân và đưa phương tiện vào sẽ rất khó khăn.

Mặt khác, ta lan truyền thông tin vào trong nhân dân và những huyện gần căn cứ địch ở Kon Tum và Pleiku, để các địa phương vờ thực hiện chuẩn bị lực lượng, làm đường, kéo pháo, tải lương… để vào đánh Kon Tum và Pleiku… Khi đó, máy bay do thám của địch trên không, quân thám báo của địch thăm dò thấy vậy nên tin là ta sẽ đánh Kon Tum.

Đối với lực lượng hành quân xuống phía Nam, Bộ Tư lệnh quy định toàn bộ cuộc hành quân phải bảo đảm nguyên tắc bí mật, ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân… đi đến đâu ngụy trang xóa dấu vết đến đó”, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.

Cùng thời gian đó, ở Kon Tum và Gia Lai, ta hạ lệnh truyền tin, chuẩn bị đi dân công, tải thương, tải đạn, kéo xe tăng… áp vào đánh địch. Sư đoàn 968 nhận lệnh kéo pháo đánh ngay Đồn Thanh An, bắn pháo vào Pleiku. Từ ngày 1 đến 3/3, ta đánh mạnh ở Gia Lai, Kon Tum, khiến địch tin rằng ta chuẩn bị đánh Bắc Tây Nguyên thật.

Kế hoạch nghi binh thắng lợi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm mức thương vong thấp nhất cho lực lượng của ta để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, đẩy địch vào thế bị động, bất ngờ, tạo thế tiến công liên tiếp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung.

Chiến dịch này tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh cách mạng, làm thay đổi cơ bản lực lượng giữa ta và địch, đưa cuộc tiến công chiến lược phát triển thành Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

“Danh liệu Anh hùng này của tất cả liệt sĩ Sư đoàn 320”

“Sư đoàn tôi có 14.500 liệt sĩ, đa phần là anh em trẻ tuổi” - Ảnh 3.

“Bố mẹ tôi sinh ra tôi xương thịt chỉ còn 15% thôi. Còn 85% của các liệt sĩ. Anh em đã hy sinh cho mình sống”, Trung tướng Khuất Duy Tiến tâm sự. Ảnh: Nguyễn Lan

Trung tướng Khuất Duy Tiến có tổng cộng 8 lần bị thương trên cơ thể như đầu, sườn… khi tham gia hàng trăm trận chiến đấu cùng nhiều chiến dịch. “Kỷ niệm đầu tiên của tôi đó là lần chống địch càn vào làng Hạ Băng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngay trận này, tôi đã bị thương vào đùi, mất rất nhiều máu. Thời bấy giờ khổ lắm không có dụng cụ gì băng bó vết thương. Sau tôi được một phụ nữ đã đưa cho mảnh vải buộc lại vết thương rồi núp trong bụi cây mệt lả thiếp đi”.

“Tới chiều tối người dân trong làng phát hiện khiêng tôi về băng bó và nấu cháo cho  ăn. Ngày hôm sau, đơn vị đã tìm thấy và đưa tôi về chữa trị vết thương suốt 7 tháng trời”, ông nhớ lại.

Trung tướng Khuất Duy Tiến tiếp lời: “Đến bây giờ, mình được sống như thế này phải nhớ lại rằng, tại sao mình sống được? Bởi có anh em đã hy sinh thì mình mới được sống đến ngày hôm nay. Ở Sư đoàn 320 của tôi có 14.500 liệt sĩ, đa phần là anh em trẻ. Tôi là người lính đầu tiên kể từ khi thành lập Sư đoàn và cũng là người lính cuối cùng còn sống. Chính từ những hy sinh, máu của anh em và đồng đội đã ngã xuống để cho mình được sống.

Đến nay, tôi vẫn dạy con cháu rằng: xương thịt của tôi chỉ còn 15% phần của bố mẹ tôi sinh ra tôi, hơn 80% chính là của các liệt sĩ.  Như vậy, mình được phong anh hùng, nhưng đó là của tất cả các liệt sĩ chứ không phải của mình. Tôi luôn tâm niệm, dù là anh hùng hay là gì đó thì đấy cũng chính là những gì của các đồng chí, đồng đội của tôi. Không có đồng đội không có những người anh em thì làm sao có mình ngày hôm nay…”.

Theo: SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *