Tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4: Nên hay không?

Những chỉ số tích cực về phòng chống dịch COVID-19 đang khiến nhiều người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng không cần thiết phải tiêm thêm mũi vắc xin tăng cường hay nhắc lại. Các chuyên gia cho rằng, đây là những quan điểm sai lầm, và khẳng định ở thời điểm này, chúng ta vẫn cần sự bảo vệ từ vắc xin, bởi những lý do sau:

Vắc xin phòng COVID-19 làm tốt “sứ mệnh” bảo vệ cộng đồng

Hiện nay, tỷ lệ tử vong, ca mắc mới do COVID-19 ở nước ta đang giảm mạnh. Trung bình số ca COVID-19 mới trong nước ghi nhận trong tuần vừa qua là 790 ca/ngày. Đây là con số thấp nhất trong nhiều tháng qua, bởi trước đó số mắc trung bình rất cao, có thời điểm lên đến hơn 100.000 ca/ ngày. Số bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị hiện nay chỉ bằng khoảng từ 1/120 – 1/150 so với giai đoạn cao điểm nửa đầu tháng 3/2022.

Tại Quảng Ninh, hiện ghi nhận từ 20 – 30 ca bệnh/ngày; 99,5% số ca bệnh có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; tỷ lệ tử vong thấp hơn 10 lần so với bình quân chung của cả nước, trong đó chủ yếu là người trên 80 tuổi, có bệnh lý nền nặng và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây là minh chứng rõ nét về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm cho người dân trong cả nước thời gian qua.

Nhờ hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19, người dân không còn lo “giãn cách xã hội”, được trở lại cuộc sống bình thường.

Tiêm chủng an toàn hơn là nhiễm COVID-19

Mặc dù kháng thể đối với SARS-CoV-2, vi-rút gây ra COVID-19 được phát hiện ở những người đã được tiêm phòng COVID-19 và ở cả trong máu của những người đã từng nhiễm COVID-19, nhưng tiêm chủng vẫn an toàn hơn là nhiễm COVID-19 và việc tiêm chủng phòng COVID-19 được khuyến nghị cho mọi người từ 5 tuổi trở lên. Nếu ai đó đã bị COVID-19, thì việc tiêm phòng COVID-19 sẽ làm tăng phản ứng kháng thể của cơ thể, giúp cải thiện khả năng bảo vệ của họ.

Đối với nhiều bệnh, trong đó có COVID-19, các kháng thể dự kiến sẽ giảm hoặc “suy yếu” theo thời gian. Sau một khoảng thời gian đủ dài, mức độ kháng thể có thể giảm xuống dưới mức có thể bảo vệ hiệu quả. Mức này được gọi là “ngưỡng bảo vệ”. Khi các kháng thể giảm xuống dưới ngưỡng bảo vệ, chúng ta có thể trở nên dễ bị bệnh nghiêm trọng hơn. Việc tái nhiễm COVID-19 hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, một số ít trường hợp được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể mắc COVID-19 (được gọi là lây nhiễm đột phá sau tiêm vắc-xin). Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm, bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong đối với những người được tiêm chủng đều thấp hơn nhiều so với những người không được tiêm chủng. Khi tái lây nhiễm hoặc lây nhiễm đột phá xảy ra, việc có kháng thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong.

Nhiều biến thể COVID-19 mới vẫn tiếp tục được sinh ra

Tất cả virus đều thay đổi dần theo thời gian và đều có thể dẫn đến các biến thể. Với những đặc trưng của loại virus RNA, SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục có nhiều biến thể Covid-19 mới. Những đột biến của virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến những biến thể Covid-19 mới dễ lây lan hơn. Thậm chí, các biến thể Covid-19 mới được phát hiện hàng tuần. Alpha, Dela, Gamma, Bela, Omicron là những biến thể Covid-19 đang lưu hành trên thế giới. Khi virus phát tán rộng rãi và lây nhiễm ở quy mô lớn, khả năng virus đó đột biến sẽ càng gia tăng.

Sự xuất hiện của những biến thể mới nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết. Một điều quan trọng cần lưu ý là mọi biến thể COVID-19 đều có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hoặc tử vong, bao gồm cả biến thể được cho là gây bệnh nhẹ hiện nay – biến thể Omicron. Do vậy, cần phải mọi người cần tiêm phòng ngay khi có vắc xin và tiếp tục theo dõi các khuyến cáo hiện nay về phòng tránh sự lây lan của vi rút, bao gồm giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ cho môi trường trong nhà được thông thoáng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả

Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vắc xin phòng COVID-19. Tất cả đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu.

Kết quả 2 nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên y tế ở Israel cho thấy rằng vắc-xin đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ (cả kháng thể IgG và kháng thể trung hòa) đều tăng gấp 9 hoặc 10 lần và vắc xin không gây ra tác dụng phụ nào lớn cho đối tượng nghiên cứu. Đồng thời, qua khảo sát những trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm vắc xin ở những nhân viên y tế được tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer-BioNTech và đưa ra so sánh với những người được tiêm mũi 4 vắc xin này, cho thấy ở những người được tiêm mũi 4 đã giảm tỷ lệ mắc COVID-19 sau tiêm vắc xin so với tỷ lệ được quan sát thấy chỉ sau mũi 3 của vắc xin này. Bốn nghiên cứu còn lại tại Israel đều được thực hiện ở những người trên 60 tuổi, không bao gồm những người đã nhiễm COVID-19 trước đó cho thấy mũi 4 vắc xin có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều.

Nghiên cứu được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vắc xin tăng lên đối với bệnh nặng. Cụ thể hiệu quả vắc xin tuyệt đối là 82% được đo hơn 84 ngày sau liều thứ ba và 92% đối với người nhận liều thứ 4.

Tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cộng đồng

Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 4) là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới, dần dần từng bước khôi phục lại các sinh hoạt xã hội, sản xuất. Thực tế ở một số đất nước trên thế giới sau khi dịch đã được kiểm soát nhưng sau đó vẫn có thể bùng phát trở lại, do đó tiêm nhắc đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp ta kiểm soát tốt hơn dịch COVID-19.

Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Minh Tuấn cùng đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 tại Thành phố Hạ Long. (Ảnh: Thanh Nga)

Theo CDC Quảng Ninh, số người mắc COVID-19 ở tỉnh ta tính đến thời điểm này là 351.232 người (chiếm khoảng ¼ dân số). Đây là đối tượng cần tiêm chủng để giảm nguy cơ tái nhiễm. Đối với những người chưa mắc COVID-19, người suy giảm miễn dịch thì càng cần phải tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe bản thân. Tiêm liều nhắc lại đúng lịch giúp tăng cường khả năng bảo vệ hơn, hạn chế tình trạng chuyển nặng với từng cá nhân. Khi từng cá nhân được bảo vệ thì cộng đồng được bảo vệ.

Hiện nay, cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng đang triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4. Dự kiến trong tháng 6/2022 ngành Y tế Quảng Ninh sẽ tiêm khoảng 120 ngàn liều và tháng 7/2022 sẽ tiêm khoảng 100 ngàn liều vắc xin mũi 4 phòng Covid-19 cho các đối tượng trong diện ưu tiên tiêm trước là: người từ 50 tuổi trở lên; cán bộ y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch của các địa phương trên địa bàn tỉnh; công nhân tại các doanh nghiệp ngành Than, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Công tác kiểm tra, giám sát sẽ được Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành thường xuyên tại tất cả các địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tiêm chủng.

Theo SKQN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *