Đó là chia sẻ của chị Hoài Thu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau khi vừa đưa 2 con đi tiêm vaccine phòng COVID-19 về. Chị Thu cho biết, chuẩn bị bước vào năm học mới mà số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng nên chị đã thay đổi quyết và cho con đi tiêm phòng vaccine để phòng bệnh.
Lý do phụ huynh thay đổi quyết định, cho con đi tiêm vaccine phòng COVID-19
Chị Hoài Thu cho biết, đúng là trước đây gia đình khá lo ngại vì sợ tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của con nhưng sau khi đọc thông tin trên báo, đài cộng với nhận được sự tư vấn nhiệt tình của các bác sĩ cũng như được nhà trường vận động nên gia đình đã nhất trí cho 2 con đi tiêm và không còn sợ vaccine COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài cho con nữa.
Theo chị Thu, việc tiêm vaccine cho trẻ là cần thiết, vì ai cũng có khả năng nhiễm virut. Do đó vaccine chính là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho con mình.
“Năm học mới đang đến gần cộng với số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại nên gia đình tôi đã thay đổi quyết định. Nhà tôi có hai cháu học lớp 2 và lớp 6 vừa tiêm hôm qua nhưng hiện tại, sức khỏe của các cháu hoàn toàn bình thường, chỉ hơi sưng ở bắp tay. Lúc này, tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều bởi khi bước vào năm học mới, các con tôi sẽ thường xuyên ở nơi đông người mà tình hình dịch bệnh thì rất khó lường”.
Trong khi đó, anh Tuấn Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) mặc dù đã nhiều lần được giáo viên chủ nhiệm nhắn tin mời đưa con đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng anh Hưng vẫn không đăng ký. Anh Hưng cho biết: “Tôi đã thay đổi quyết định và vừa đưa con gái năm nay lên lớp 5 đi tiêm phòng theo khuyến cáo. Lý do bởi bởi khi thấy dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại, tôi khá lo lắng, để an toàn cho con, tôi đã quyết định cho con đi tiêm. Qua quan sát tôi thấy, số lượng phụ huynh đưa con đi tiêm lần này nhiều hơn những lần trước. Hầu hết các phụ huynh đều lo ngại khi dịch bệnh tăng trở lại”.
Tương tự, chị Hạnh Chi (quận Cầu Giấy) cũng vừa đăng ký cho con đi tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 vào cuối tuần này. Theo chị Chi, năm học mới đang đến gần, học sinh sẽ đến trường học tập trung, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm lại càng cao. “Con tôi đã tiêm mũi 1, 2. Tuy nhiên, nghe thông tin các biến thể phụ lây lan nhanh và có thể gây triệu chứng nặng nếu không tiêm đủ mũi vaccine ngừa COVID-19, lại đúng vào thời điểm cháu chuẩn bị bước vào năm học mới, tôi quyết định cho con tiêm mũi 3 để bảo vệ sức khỏe cho con”, chị Chi chia sẻ.
Những tin đồn về ảnh hưởng của vaccine hoàn toàn không có căn cứ
Trước những tin đồn về vaccine COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ nhỏ, ThS.BS. Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, BV Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, những tin đồn về ảnh hưởng của vaccine như giảm trí nhớ, rụng tóc, teo cơ, vô sinh… hoàn toàn không có căn cứ.
Đến nay, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, vaccine phòng COVID-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, sương mù não, rụng tóc… Trong khi đó, nhiều bằng chứng chỉ ra đây là những biến chứng thường gặp đối với người đã từng mắc COVID-19.
Với riêng trẻ em, BS. Nguyễn Hiền Minh cho rằng nếu không tiêm vaccine, trẻ nhỏ có khả năng bị lây nhiễm nhiều. Trong đó, những trẻ cơ địa bẩm sinh, bệnh nền, béo phì, suy giảm miễn dịch nguy cơ tiến triển nặng gây suy hô hấp, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết, viêm đa cơ quan… điều trị tốn kém, có thể có nguy cơ tử vong.
BS. Nguyễn Hiền Minh cảnh báo: “Nếu chúng ta tin vào tin đồn và không tiêm vaccine, con em chúng ta có nguy cơ mắc COVID-19. Trước mắt, trẻ bị gián đoạn việc học, sau đó có thể đối mặt nguy cơ các biến chứng hậu COVID-19 hoặc nguy hiểm hơn là tử vong”.
Còn theo TS.BS. Phạm Quang Thái – Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: Vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi an toàn không khác gì các vaccine trong tiêm chủng khác. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng, vì sự lo lắng chỉ làm phức tạp vấn đề trong khi tâm lý vững vàng sẽ làm mọi chuyện suôn sẻ.
Theo: SKĐS
Một số bài viết khác:
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng
Người dân vùng lũ lụt cần làm gì để có nước sạch sử dụng?
PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH SAU BÃO