Việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ cần đảm bảo an toàn và cẩn thận tuyệt đối. Đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi nào phản ứng mạnh với vaccine phòng COVID-19.
Ngày 16/4 vừa qua TP.HCM đã tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi ở một số điểm tiêm.
Từ ngày 18/4 trở đi thành phố thực hiện chiến dịch tiêm phủ vaccine COVID-19 cho tất cả các trẻ em trên địa bàn tới ngày 28/4 với hình thức cuốn chiếu theo độ tuổi, từ lớn đến nhỏ.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối, ứng biến kịp thời các trường hợp xấu
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã chuẩn bị từ rất lâu cùng với đội ngũ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm. Lần đầu tiên TP.HCM thực hiện tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, do đó cần thận trọng hết sức.
Sở Y tế cũng đã điều phối nhân sự của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phòng khám đa khoa có chuyên khoa nhi cùng với lực lượng nhân sự tại chỗ từ các Trung tâm Y tế, trạm y tế và bệnh viện quận, huyện tham gia hỗ trợ công tác tiêm chủng tại các đơn vị.
Về công tác tổ chức cấp cứu, xử lý sự cố sau tiêm tại các điểm tiêm đã được tổ chức bài bản. Lực lượng nhân sự đã được tập huấn và tất cả các điểm tiêm đều chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm phân công mạng lưới cấp cứu ngoại viện và xe cấp cứu của các bệnh viện trực tại vị trí được phân công, giám sát và điều phối để hỗ trợ kịp thời. Thành lập Tổ chuyên gia hồi sức cấp cứu nhi thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP để sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Lứa tuổi tiêm vaccine lần này cần có sự quan tâm chú trọng, không cần quá cầu toàn về thời gian kết thúc tiêm mà cần quản lý được điểm tiêm, số lượng tiêm và những vấn đề căn bản nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ“.
Chưa ghi nhận trường hợp trẻ phản ứng mạnh với vaccine
Theo ông Võ Hồng Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, ngày 18/4, TP đã triển khai 187 điểm tiêm, 433 bàn tiêm trên 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Dự kiến có 42.256 trẻ được tiêm chủng, tăng gấp 4 lần so với ngày 16/4.
Tính tới thời điểm hiện tại, thành phố chưa ghi nhận trường hợp trẻ nào gặp phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phụ huynh không nên lơ là, cần lưu ý các khuyến cáo và theo dõi các triệu chứng xuất hiện sau tiêm ở trẻ để đưa ra hướng điều trị kịp thời.
Phụ huynh cần chú ý cần cho trẻ theo dõi tại điểm tiêm 30 phút sau khi tiêm, trong 3 ngày đầu theo dõi trẻ 24/24h, đo nhiệt độ cho trẻ từ 4-6 tiếng/lần, tránh cho trẻ vận động mạnh, bổ sung nhiều nước và chất dinh dưỡng.
Theo số liệu, cho tới nay TP.HCM đã tiêm được cho 10.434 trẻ lớp 6, còn 1.379 trẻ đang trì hoãn tiêm vì vừa khỏi COVID-19 trong vòng 3 tháng gần đây và mắc các vấn đề về dị ứng trong thời điểm tiêm.
Ông Dũng cho biết thêm, tổng số học sinh dự kiến tiêm của đợt tiêm chủng lần này là 800.000 học sinh. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi do trẻ có thể không đủ điều kiện tiêm chủng nếu như bị nhiễm COVID-19.
Một số bài viết khác:
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới – 17/9 Chủ đề: Cải Thiện Chẩn Đoán – Vì Sự An Toàn Của Người Bệnh
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng