Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hơn 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc ho gà là các trẻ nhỏ đã tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023, với 118 trường hợp được ghi nhận. Hầu hết các trường hợp mắc ho gà là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Riêng tại khu vực phía Bắc, theo thông báo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay ghi nhận 92 trường hợp mắc/nghi mắc ho gà, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tại Quảng Ninh có 2 trường hợp mắc ho gà tại thành phố Hạ Long.
Trước tình hình số ca mắc ho gà tăng cao đột biến so với trung bình các năm gần đây trên cả nước, CDC Quảng Ninh khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, cảnh giác trước các biểu hiện và biến chứng của bệnh ho gà để có phương án xử trí đúng cách và kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh ho gà
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà gây nên. Bệnh lây theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội, khó kiểm soát cơn ho và khiến bệnh nhân bị khó thở. Sau cơn ho người bệnh sẽ hít thở sâu tạo ra tiếng rít dài.
Bệnh ho gà có khả năng lây lan rất cao, do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng bệnh nhân khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành.
Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ bị ho gà nhưng nghiêm trọng nhất là trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng 3 mũi cơ bản đầy đủ. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.
Những triệu chứng của bệnh ho gà
* Diễn biễn của bệnh có 3 giai đoạn:
– Giai đoạn khởi phát (kéo dài từ 1-2 tuần) bệnh có biểu hiện ban đầu giống như cảm lạnh, chảy nước mũi, sịt mũi, ho, hắt hơi, đau họng, sốt nhẹ và ho dần dần nặng hơn.
– Giai đoạn toàn phát: (kéo dài trong 1-6 tuần, đôi khi có thể là 10 tuần) Lúc này những cơn ho đột ngột không kiềm chế được (cơn bộc phát), bất kỳ lúc nào trong ngày nhưng ban đêm là nặng nhất. Trong những cơn ho mạnh người bệnh có thể bị ngạt, nôn ói hoặc mặt tím tái do thiếu không khí. Giữa những cơn ho người bệnh thường vẫn có vẻ khỏe mạnh. Trong giai đoạn này trẻ sơ sinh sẽ bị thở yếu, có tiếng thở rít khi hít thở, thậm chí đôi lúc ngưng thở vì thiếu oxy, mắt đỏ, da tím tái, chảy nhiều nước mũi, mệt mỏi. Ngoài ra có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, loét hãm lưỡi, mi mắt và mặt nặng… Hết đợt ho trẻ khạc ra chất nhớt màu trắng, trông giống như lòng trắng trứng gà. Xét nghiệm đờm có thể tìm thấy vi khuẩn ho gà;
– Giai đoạn hồi phục: là khi các triệu chứng dần dần cải thiện qua nhiều tuần, nhiều tháng, tần suất ho thưa dần, người bệnh hạ sốt nhưng vẫn còn dư âm ho vào nhiều tháng sau đó dẫn tới viêm phổi.
Ở thanh thiếu niên và người lớn, biểu hiện ho gà có tính chất nhẹ nhàng hơn, cơn ho điển hình ít gặp, thậm chí khó phát hiện triệu chứng. Ho thường kéo dài hơn 1 tuần. Vẫn có trường hợp trẻ nhỏ vẫn mắc bệnh mặc dù đã được tiêm vắc xin nhưng bệnh thường đã được giảm nhẹ và nhanh khỏi.
Biến chứng của bệnh ho gà
Ở trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi mắc bệnh ho gà thì biến chứng do bệnh gây ra rất nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm phòng.
Biến chứng tại hệ hô hấp: Viêm phổi; Xẹp phổi; Suy hô hấp. Trong đó, viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất và dễ gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ có thể bị tím tái do thiếu ô-xy trong cơn ho, nôn kiệt sức thường đi kèm theo sau cơn ho;
Viêm não với tỷ lệ di chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong rất cao.
Biến chứng cơ học: lồng ruột, loét hàm lưỡi, vỡ cơ hoành, thoát vị rốn, bẹn, sa trực tràng. Trường hợp nặng: tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi, vỡ phế nang
Biến chứng khác: xuất huyết, tụ máu dưới kết mạc, bầm tím dưới mí mắt, nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ…
So với trẻ nhỏ thì thanh thiếu niên và người lớn khi bị ho gà gặp biến chứng nhưng mang tính chất ít nghiêm trọng hơn, nhất là những người đã được tiêm vắc xin phòng bệnh. Biến chứng của bệnh ho gà ở thanh thiếu niên và người lớn có thể là: Viêm phổi; Sụt cân; Ho nặng có thể dẫn tới gãy xương sườn; Mất kiểm soát bàng quang; Hôn mê, khó thở, da tím tái…
Phòng bệnh ho gà như thế nào ?
Để phòng ngừa nguy cơ ho gà, đặc biệt ở trẻ nhỏ, cần thực hiện những biện pháp sau:
- Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che mũi, miệng khi hắt hơi.
- Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly. Gia đình của trẻ cần đưa trẻ đi tái khám nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như cơn ho diễn ra thường xuyên hơn, ho dài, rũ rượi và có biểu hiện suy hô hấp…
- Biện pháp phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất là chủ động cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch khi trẻ đủ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi đủ 18 tháng tuổi. Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà có thể mang lại hiệu quả cao, lên tới 90%.
Hiện nay trên thị trường có các loại vắc xin ho gà đơn hoặc vắc xin phòng bệnh ho gà được dùng dưới dạng phối hợp 3 trong 1 (DPT), 5 trong 1 (Quinvaxem, Pentaxim) và 6 trong 1(Infarix Hexa, Hexa).
Các vắc-xin phòng bệnh ho gà được cung cấp miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại tất cả các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Ngoài ra, vắc-xin có thành phần ho gà cũng được cung cấp theo hình thức trả phí tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh/thành phố, Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và cơ sở tiêm chủng khác. Đối với phụ nữ mang thai và người có bệnh nền nên đến bệnh viện, Trung tâm y tế để được khám và tư vấn tiêm chủng.
======================
Theo CDC Quảng NInh
Một số bài viết khác:
Ngày Sơ Cấp Cứu Thế Giới – 14/9 với Chủ đề: Sơ Cấp Cứu và Thể Thao – Bảo Vệ Sức Khỏe và An Toàn Cộng Đồng
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn mang niềm vui Trung Thu đến các bệnh nhi năm 2024
Phình động mạch chủ bóc tách
Tật thừa Răng
Viêm gan B “kẻ giết người” thầm lặng
Người dân vùng lũ lụt cần làm gì để có nước sạch sử dụng?