Tư vấn cho vị thành niên là một bước không thể thiếu và rất quan trọng trong quá trình cung cấp dịch vụ. Tư vấn sức khoẻ sinh sản vị thành niên (SKSS VTN) cần dựa trên nhu cầu của vị thành niên và tuỳ thuộc vào khả năng thực tế của các tuyến y tế khác nhau (cấp y tế cơ sở và y tế tuyến trên). Y tế cơ sở chủ yếu giúp vị thành niên nhận biết rõ tình trạng sức khỏe hiện tại (bình thường hay nguy cơ), biết làm gì để khắc phục tình trạng này, trong trường hợp cần thiết có thể đến đâu để được tư vấn hoặc điều trị chuyên sâu.
Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho VTN cũng có chung các mục đích, kỹ năng và các bước như tư vấn trong chăm sóc SKSS. Do những đặc điểm riêng biệt về thể chất, tâm lý và xã hội của VTN mà tư vấn SKSS cho VTN cũng có các chú trọng khác với tư vấn SKSS cho người lớn.
MỤC ĐÍCH TƯ VẤN SKSS VTN
Giúp VTN biết cách nhận biết những tình cảm của bản thân và học cách tự kiểm soát, xử trí
Hướng dẫn VTN biết cách nhận biết tình cảm của bản thân như buồn chán, thất vọng, phẫn nộ, căng thẳng… và biết cách tự kiểm soát tình cảm, biết cách xử trí trong tình huống cụ thể là một biện pháp có hiệu quả trong tư vấn SKSS VTN.
Tạo niềm tin khiến các em tin cậy, giãi bày tâm sự cũng như các băn khoăn thắc mắc của mình, từ đó giúp các em nhận thức, xử lý những tình cảm theo cách thực tế hơn, tích cực hơn.
Tạo một môi trường giao tiếp cởi mở, hoà đồng để các em dễ chấp nhận. Động viện khuyến khích, sẵn sàng giúp đỡ để các em luôn cảm thấy thoải mái, dễ dàng chia xẻ những suy nghĩ, tình cảm của bản thân.
Hướng dẫn các em suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề dưới các khía cạnh tích cực hoặc giúp VTN tự đặt câu hỏi nếu ở hoàn cảnh này mọi người sẽ xử trí thế nào? Cách nào là hiệu quả và phù hợp với bản thân VTN nhất?… Đây là cách có hiệu quả giúp các em thể hiện mình và học cách đối mặt với những tình cảm của mình.
Cán bộ tư vấn không nên mong đợi các em sẽ giao tiếp với mình như giao tiếp với người lớn, cần kiên trì, động viên, khuyến khích các em chia xẻ và cùng tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của VTN.
Giúp VTN nhận biết những trải nghiệm trong quá khứ, những tác động đến hành vi hiện tại
Hỗ trợ VTN bày tỏ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, những ảnh hưởng đến hiện tại để giúp VTN học cách giải toả, xác định cách phòng tránh và hướng xử trí thích hợp trong tương lai.
Ví dụ có thể sử dụng một số câu như: “Chắc chắn là em có lí do để hành động như vậy, chị/bạn chị cũng đã từng gặp hoàn cảnh tương tự mà không giải quyết được như em đã làm..Hiểu rõ điều gì đã xảy ra với em sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề hiện tại của em tốt hơn, vậy em có thể chia sẻ được không.?”, “Em có vẻ đang rất bối rối, em có thể chia sẻ điều gì đã xảy ra không. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với em. Có vẻ như em đang cảm thấy rất khó nói về những gì đã xảy ra, tuy nhiên có thể em sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nếu chia sẻ điều đó với tôi? Và nhờ đó tôi cũng có thể hỗ trợ em được nhiều hơn”.
Nếu VTN từ chối không muốn nói ra những trải nghiệm tiêu cực, hãy cảm thông và động viên. Có thể nói với các em: “Lúc này có thể không phải lúc em muốn nói về điều đó, nhưng khi nào em cảm thấy cần tâm sự, khuyên nhủ, hãy gọi điện cho tôi, tôi sẵn sàng nghe em?”.
Có thể sử dụng những cách diễn đạt khác dễ dàng hơn đối với VTN như viết ra tờ giấy hoặc điện thoại khi cần thiết.
Khi nói về những trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng đến VTN như cưỡng bức, bạo hành…, hãy giúp VTN cố gắng nhận ra những khía cạnh có triển vọng, nhấn mạnh những điểm tích cực và giúp các em sử dụng chúng để nhận thức lại những gì đã trải qua một cách thực tế hơn, tích cực hơn và giúp các em học cách hành động vượt qua những trở ngại. Với tình huống trên, cán bộ tư vấn (CBTV) có thể khẳng định với VTN rằng em đã có một quyết định sáng suốt khi tìm đến với cơ sở y tế, bởi điều đó sẽ khiến em không những được chia sẻ và hỗ trợ về mặt tâm lý mà còn được hỗ trợ về lĩnh vực sức khỏe, giảm thiểu những nguy cơ có thể sẽ xảy ra cũng như biết cách phòng tránh những sự việc tương tự nếu lặp lại.
Chuẩn bị cho VTN hướng đến những thay đổi và ra quyết định tích cực trong cuộc sống.
Thảo luận với các em và cùng các em lập kế hoạch chi tiết cho những thay đổi sắp tới. Có thể sử dụng các câu hỏi mở có tính chất gợi ý như: Bây giờ em dự định sẽ giữ mối quan hệ đó như thế nào? Kế hoạch tiếp theo của em là gì ? Em định làm gì, ở đâu, ai sẽ là người giúp em thực hiện kế hoạch đó, em có khó khăn gì khi thực hiện kế hoạch này không? Liệu kế hoạch này có thể gây ra những điểm bất lợi nào cho em không? Các điểm bất lợi đó là gì? Em đã chuẩn bị gì để xử lí các bất lợi đó? Chị có thể giúp được em việc gì ? …
Hỗ trợ VTN nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi cũng như kỹ năng tự giải quyết vấn đề của họ. Hướng dẫn cho VTN các kỹ năng sống quan trọng trong cuộc sống như: kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng từ chối, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề…
————————-
Phòng DS-TTGDSK
Một số bài viết khác:
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
BỘ Y TẾ ĐỀ XUẤT PHẠT TIỀN ĐẾN 2 TRIỆU ĐỒNG ĐỐI VỚI HÀNH VI SỬ DỤNG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quy định về giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại
Tiêm phòng trước khi mang thai: Hàng rào bảo vệ mẹ và bé
4 thay đổi quan trọng về BHYT có hiệu lực từ 1/7/2024 người dân cần biết